Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương Hàm Thắng (18/4/1975 - 18/4/2025), Ban Biên tập Trang thông tin điện tử xã Hàm Thắng xin giới thiệu về quá trình hình thành, phát triển và trưởng thành của Đội công tác Hàm Thắng trong kháng chiến chống Mỹ (từ năm 1961 đến tháng 4/1975). Bài viết được biên tập lại từ các Bài phát biểu của đồng chí Ngô Minh Thưởng, nguyên Bí thư - Đội trưởng Đội công tác Hàm Thắng (từ 1969 đến 1972), nguyên: Bí thư huyện Hàm Thuận, Bí thư huyện Hàm Thuận Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh tủy - Chủ tịch UBMT TQVN tỉnh Bình Thuận, tại các cuộc Họp mặt của Đội Công tác Hàm Thắng.
Mũi công tác
Hàm Thắng trực thuộc Đội công tác Hồng Hà (Hồng Hà là mật danh của Đội công tác
phụ trách các xã Hàm Thắng, Hàm Liêm, Hàm Chính). Đội công tác Hồng Hà được
thành lập từ năm 1961, do đồng chí Nguyễn Minh Cao (bí danh Mười Cao) làm Đội
trưởng. Mũi công tác Hàm Thắng từ lúc thành lập cho đến đầu năm 1964 chỉ có từ
3 đến 4 đồng chí: đ/c Huỳnh Quang Hòa (Hòa Lang), Phạm Hồng, Huỳnh Cổn (Phúc),
Bảy Dung (Lường). Nhiệm vụ chủ yếu của mũi công tác là nắm tình hình hoạt động
của địch, diệt ác, phá tề, thông qua cơ sở mật bên trong nắm chắc tình hình tư
tưởng, tâm trạng các tầng lớp quần chúng, trên cơ sở đó tiến hành phân loại để
tuyên truyền, giáo dục và xây dựng, mở rộng mạng lưới cơ sở mật cách mạng bên
trong địa bàn của địch. Do đó, mỗi cán bộ của mũi công tác ngoài nhiệm vụ chiến
đấu còn phải biết làm công tác dân vận, nhất là phải thành thạo “5 bước công
tác”, phương thức “bắt rễ xâu chuỗi”. Bên cạnh đó, khi cần thọc sâu, đột nhập
vào các vùng ở Lại An hạ (địa bàn phía dưới Quốc lộ 1A) để vũ trang tuyên
truyền và làm nhiều việc khác thì có lực lượng vũ trang của huyện tăng cường,
phối hợp. Điển hình như trận đánh giữa năm 1962, phía ta tổ chức lực lượng đánh
sâu vào bên trong khu vực địch chiếm đóng để bắt nhiều tề liên gia,
ấp phó, ấp trưởng, trong đó có 01 tề xã, làm chết và bị thương nhiều dân vệ. Dù
tiêu diệt địch không nhiều nhưng đã gây tiếng vang lớn, làm nhân dân phấn khởi,
địch dao động co cụm lại, không mở rộng được vùng chiếm đóng.
Cuối năm 1963, địch bị thất bại trong chiến
lược chiến tranh đặc biệt, tình hình thuận lợi cho phong trào cách mạng phát
triển, lực lượng thanh niên thoát ly ngày càng nhiều, không những có người để
bổ sung cho lực lượng vũ trang toàn huyện mà còn có đủ người để hình thành các
Đội công tác theo từng xã. Lúc này, mỗi đội công tác xã có trên dưới 10 người,
đội ít cũng được 4 – 5 người. Đội công tác Hàm Thắng cũng chính thức hình thành
vào thời điểm này (giữa năm 1964) và trực thuộc Huyện ủy Hàm Thuận. Trong những
năm từ giữa năm 1964 đến năm 1966, phong trào cách mạng diễn ra khá thuận lợi,
mở rộng được phạm vi hoạt động trong lòng địch. Xã Hàm Thắng theo tên gọi hiện
nay thì thời điểm này gồm Hàm Thắng và Hàm Nghĩa, trong đó Hàm Thắng là khu vực
phía trên quốc lộ 1A đến giáp mảng đường QL28 do phía ta làm chủ, Hàm Nghĩa là
khu vực mảng dưới Quốc lộ 1A giáp đến Phan Thiết đa phần nằm trong vùng quản lý
của địch. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, Đội Công tác tiến hành thành lập chính
quyền quân quản cấp xã và các thôn trên địa bàn Hàm Thắng (khu vực phía trên
quốc lộ 1A đến giáp mảng đường QL28). Mỗi thôn đều có chính quyền, có tổ chức
Thôn đội, có cán bộ an ninh thôn. Đồng thời khẩn trương tuyên truyền, giáo dục,
giác ngộ quần chúng, phát triển hội viên và lập các tổ chức đoàn thể thanh
niên, nông dân, phụ nữ. Đi liền với việc tập hợp quần chúng vào các tổ chức, Đội
còn làm một việc hết sức thiết thực là tịch thu ruộng đất của địa chủ (vắng
chủ) đem chia ruộng đất này cho nông dân không có ruộng đất canh tác để họ thấy
được lợi ích thiết thực mà thành quả cách mạng đem lại, từ đó gắn bó với cách mạng,
gắn bó với cán bộ, chiến sĩ Đội công tác.
Ngoài việc tập trung xây dựng lực
lượng chính trị, Đội còn khẩn trương huy động mọi lực lượng, mọi loại vũ khí
đánh địch lấn chiếm, kể cả việc cải tạo đầu đạn không nổ của địch để đánh xe
tăng địch, tiến hành bố phòng xây dựng căn cứ chiến đấu dọc sông Cái (từ Đất
Làng lên đến Xoài Quỳ, Bến Lệ, Dốc Cây Sến, …) - nói căn cứ chứ thật ra chẳng
có gì mà chỉ là hệ thống hầm chui dưới các bụi tre gai dọc sông Cái. Ngoài bố
phòng bằng chông, mìn, Đội sử dụng nhiều nhất là “bom bi” lép do máy bay địch
thả rồi cải tạo lại để gài chung quanh căn cứ của Đội công tác. Chính hệ thống
bố phòng này tự nó đã xác định ranh giới phần đất của vùng cánh mạng mà địch
không dám xâm phạm. Và cũng chính hệ thống chông mìn này đã gây cho địch nhiều
tổn thất. “Tiếng dữ đồn xa”, do đó lâu ngày cái tên “Căn cứ Xoài quỳ, Bến Lệ,
Dốc Cây Sến” là những địa danh bất khả xâm phạm, làm cho không chỉ bọn địch trú
đóng tại Đồn Kim Bình cách khu căn cứ vẻn vẹn không quá 500m, mà cả địch đóng
tại tiểu khu Bình Thuận cũng rất cay cú.

(Bản đồ hình thái khu vực
xã Hàm Thắng từ 1954 -1975)
Năm
1967, tiểu khu Bình Thuận bàn giao khu vực này cho quân Mỹ phụ trách. Nhiều lần
chúng tổ chức lực lượng quy mô lớn gồm nhiều loại binh chủng tấn công ta nhưng
đều bị lực lượng phía ta đánh bại, mặc dù lực lượng phía ta hoạt động trong khu
căn cứ Xoài quỳ- Hàm Thắng là địa bàn rất đặc thù, khó khăn, khác biệt hẳn so
với các khu căn cứ của các đơn vị xã khác. Cụ thể nơi đây hoàn toàn không có
rừng để ẩn nắp, vị trí nằm lọt thỏm giữa các khu vực do địch chiếm đóng, chiến
sĩ Đội công tác ban ngày phải lẩn tránh trong các hầm bí mật bố trí nhiều chỗ,
nhiều cách như: theo sông, theo mương, trên khô, dưới nước, trong nhà dân. Đến
tối lại đi ra, lẫn vào các xóm để hoạt động tuyên truyền, nắm tình hình địch,
quấy rối địch.
Cuối năm 1967 đến đầu 1968, là thời điểm cao trào địch
Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ trên chiến trường Miền Nam. Tình hình chung và
tại Hàm Thắng diễn ra cực kỳ căng thẳng và hết sức ác liệt. Nhiều tổ chức,
nhiều cơ sở mà ta bỏ công xây dựng bị địch theo dõi phát hiện và lộ. Một số bị
địch bắt, một số dao động chiêu hồi, đầu hàng. Phong trào bị bể vỡ, tổn thất.
Đặc biệt là vào mùa mưa năm 1967, địch tổ chức lực lượng tấn công vào căn cứ
nơi ở của Đội công tác, nhân lúc trời mưa, nước ngập lụt, địch phát hiện dấu
chân vào hầm bí mật (lúc này hầm nước mất tác dụng), địch theo dấu khui hầm,
một số đồng chí trong Đội chống trả quyết liệt và hy sinh tại chỗ. Số còn lại
bị địch bắt tra tấn tù đày. Lần tổn thất này coi như Đội công tác Hàm Thắng bị
xóa phiên hiệu. Đội công tác chỉ còn vỏn vẹn có 03 người là ông Ba Lái, cô Năm
y tá, cô Mười Đủ và thêm 01 đồng chí là khách từ Văn phòng Khu ủy Khu 6 trùng
hợp xuống công tác. Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn của Đội Công tác Hàm Thắng.
Trước tình hình trên, huyện ủy Hàm Thuận đã bám sát
chỉ đạo và khẩn trương bổ sung lực lượng củng cố lại Đội công tác Hàm Thắng để
chuẩn bị mọi mặt, cùng toàn huyện, toàn tỉnh, toàn miền đi vào tổng tấn công và
nổi dậy Xuân Mậu thân năm 1968. Sau đợt tấn công lần thứ 2 Xuân Mậu thân (tháng 02/1968), tuy ta có cố gắng củng cố, ổn định xây dựng lại, nhưng tình
hình phong trào cách mạng ở Hàm Thắng vẫn còn nhiều khó khăn, kéo dài sang cả
năm 1969. Lúc đó, lực lượng bên ngoài vô cùng ít, lực lượng bên trong lại mỏng, bị bể
vỡ nghiêm trọng, nhìn chung Đội công tác chỉ hoạt động cầm chừng. Để gây dựng
lại thanh thế cho phong trào cách mạng, Đội công tác lúc này do đồng chí Ngô Minh
Thưởng làm Bí thư – kiêm Đội trưởng đã thống nhất phải quyết tâm đánh một trận
vào ban ngày để gây thanh thế, củng cố tư tưởng anh em trong Đội và quần chúng
nhân dân. Tuy nhiên kế hoạch của Đội bị địch phát hiện nên địch có sự chuẩn bị,
làm trận đánh của Đội không những không thành công mà còn gây nên tổn thất nặng
nề cho Đội. Tình hình đã khó càng khó thêm, nhất
là đối với một địa bàn bị cách trở, cô lập, tứ phía là đồn bót địch chỉ cách
chỗ ở của Đội công tác cũng chỉ trên dưới 500m, là vùng bị địch kèm chặt do tập
trung đông dân cư, đất đai màu mỡ, ngay cửa ngõ vào Trung tâm thị xã Phan Thiết
(thời kỳ này). Cái khó tiếp tục chồng chất lên là đầu năm 1971, địch huy động mọi
lực lượng, dùng nhiều thủ đoạn gian ác dồn hết dân xung quang khu căn cứ (thôn Thắng
Thuận và Thắng Bình) vào trong 2 ấp chiến lược. Chiến sĩ Đội công tác ngày ở
hầm, đêm lên không có dân, vừa căng thẳng, vừa buồn bã. Lúc này Đội xây dựng
thêm 01 khu căn cứ mới (phía sau) kéo
qua đến đất xã Hàm Liêm và Hàm Chính. Khi có địch càn thì Đội lui về khu căn cứ
phía sau, khi tình hình ổn định Đội lại vào khu căn cứ cũ phía trước. Cũng từ
nắm chắc tình hình, quy luật hoạt động của địch, biết tận dụng những sơ hở, chủ
quan của địch mà trong những năm từ 1970 đến 1972, Đội công tác Hàm Thắng đã
đánh nhiều trận, diệt nhiều tên ác ôn ngay cả ban ngày, sát đồn địch nên đã làm
cho địch dao động, rệu rã. Ban tề xã, ấp dao động, co lại. Quyền làm chủ của
dân được nâng lên, tư tưởng phấn khởi, lực lượng các chi bộ, chi đoàn và du
kích mật bên trong đẩy mạnh các hoạt động đều khắp, liên tục đạt nhiều kết quả.
Thế và lực của ta trên đà đi lên. Cho đến tháng 4/1975, Đội công tác là lực
lượng dẫn bộ đội chủ lực từ miền Bắc vào và bộ đội địa phương tiến đánh giải
phóng hoàn toàn xã Hàm Thắng vào ngày 18/4, tiến về giải phóng tỉnh lỵ Bình
Thuận vào ngày 19/4. Sau đó, Đội thực hiện công tác tiếp quản địa bàn, bắt tay
vào xây dựng chính quyền cách mạng trên quê hương Hàm Thắng. Ghi nhận thành
tích chiến đấu anh dũng của dân và quân xã Hàm Thắng, trong đó có cán bộ, chiến
sĩ đội Công tác Hàm Thắng, ngày 22 tháng 8 năm 1998 Nhân dân và Lực lượng vũ trang xã
Hàm Thắng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ
trang nhân dân.
Hình thành,
bám trụ chiến đấu, từng bước trưởng thành qua gần 14 năm kháng chiến ác liệt
tại Khu căn cứ lõm Xoài Quỳ (từ năm 1961 đến tháng 4/1975), Đội công tác Hàm
Thắng đã đóng góp thành tích rất lớn trong việc giải phóng quê hương Hàm Thắng
nói riêng, quê hương Hàm Thuận và tỉnh Bình Thuận nói chung. Trong quá trình
chiến đấu này, từ số thành viên ban đầu của Mũi công tác là 04 người, qua gần
14 năm phát triển, Đội có tổng số là 156 cán bộ, chiến sĩ, du kích mật thuộc
Đội quản lý, trong đó có 69 cán bộ, chiến sĩ, du kích đã hy sinh. Nhiều cán bộ,
chiến sĩ của Đội sau ngày giải phóng được bố trí vào các chức vụ cao của xã,
huyện, tỉnh, tiêu biểu như: đồng chí Ngô Minh Thưởng - Nguyên Bí thư, Đội tưởng
Đội công tác, nguyên là UV.BTV tỉnh ủy, Chủ tịch UBMT TQVN tỉnh; đồng chí Lê
Văn Ưng, chiến sĩ đội, nguyên là Bí thư huyện Hàm Thuận Bắc; đồng chí Trần Anh
Dũng, chiến sĩ đội, nguyên là PBT-Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc; đồng chí
Nguyễn Văn Xi, chiến sĩ đội, nguyên UV.BTV- PCT HĐND huyện Hàm Thuận Bắc….
Để ghi danh,
lưu giữ những chiến công của Đội công tác Hàm Thắng nói riêng, nhân dân tại Khu
căn cứ kháng chiến lõm Xoài Quỳ - Hàm Thắng nói chung, được sự thống nhất của
Ban Thường vụ huyện ủy Hàm Thuận Bắc, năm
2016, UBND huyện triển khai thi công công trình Bia ghi danh liệt sĩ Đội
Công tác Hàm Thắng tại khu ruộng Mun – thuộc khuôn viên đất của nhà bà Nguyễn
Thị Thanh (tức Ba Mun) – là cơ sở cách mạng kiên trung nuôi dấu cán bộ, chiến
sĩ Đội công tác trong hơn 14 năm chiến đấu tại khu căn cứ lõm Xoài Quỳ. Công
trình được hoàn thành và khánh thành vào ngày 22/12/2016 nhân dịp kỷ niệm 71
năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1945 – 22/12/2016), thể
hiện sự tri ân của chính quyền và nhân dân xã Hàm Thắng nói riêng, huyện Hàm
Thuận Bắc nói chung đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ
Đội công tác Hàm Thắng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, là nơi để các thế hệ
trẻ trên địa bàn xã tề tựu về trong các dịp Lễ kỷ niệm lớn của đất nước nhằm
nhắc nhở các em, các cháu về truyền thống bất khuất, kiên cường của thế hệ cha
ông, từ đó cố gắng học tập, rèn luyện, mang quyết tâm, hoài bão của tuổi trẻ để
cống hiến hết mình vì sự phát triển, hòa bình, thịnh vượng của quê hương, đất
nước./.